I. QUY ĐỊNH ĐÓNG GÓI HÀNG HÓA CHUNG
• Khi đóng gói cần sử dụng vật nhồi chèn như giấy báo vò nhàu, hạt xốp hoặc giấy bọt khí để chèn kín các khoảng trống, tránh sự chuyển động của hàng hóa bên trong hộp khi vận chuyển.
• Gói kín bằng băng keo, đảm bảo không rơi sản phẩm ra khỏi bao bì trong quá trình vận chuyển. Không dùng dây thừng, dây vải để đóng gói.
• Với các mặt hàng dễ bị bẩn, ướt, cần đặt vào túi nylon dán kín bằng băng dính trước khi đóng gói.
• Hóa đơn hay tài liệu hướng dẫn sử dụng cần để trong thùng hàng trước khi đóng gói, không dán bên ngoài thùng.
• Gom các bộ phận nhỏ hoặc các sản phẩm dạng hạt có thể bị đổ ra vào túi vải hoặc túi dệt plastic, rồi cho gói hàng vào trong thùng/ hộp cứng niêm phong chắc chắn.
• Đối với các hàng hóa có hình dạng đặc biệt hoặc khác thường, tối thiểu phải bao gói chống sốc và dán băng keo cho tất cả các cạnh sắc nhọn hoặc lồi ra, đảm bảo không gãy khi chịu tác động.
• Các hàng hóa đặc biệt như chất lỏng, hàng dễ vỡ, hàng dễ móp méo, dễ nóng chảy… phải được đóng gói để đáp ứng được với điều kiện vận chuyển. Những loại hàng hóa này phải được dán cảnh báo đặc biệt ở ngoài thùng hàng.
• Trên bao bì tất cả các bưu kiện cần có Mã vận đơn của đơn hàng, khuyến khích điền thêm: Thông tin Người nhận, bao gồm: Tên người nhận, số điện thoại và địa chỉ người nhận, Ghi chú hàng dễ vỡ hoặc không vận chuyển được bằng đường hàng không (nếu có ít nhất 01 sản phẩm trong bưu kiện thuộc sản phẩm không thể vận chuyển bằng đường hàng không)
• Đơn vị vận chuyển có quyền bóc mở bưu kiện để kiểm tra nội dung hàng hóa trong trường hợp nghi ngờ Người bán gửi hàng cấm, sản phẩm không hỗ trợ vận chuyển hoặc có hành vi gửi hộp rỗng không chứa hàng.
II. QUY ĐỊNH ĐÓNG GÓI CHI TIẾT
1. Hóa mỹ phẩm
• Hàng mỹ phẩm dạng chai lọ phải được bịt kín và dán kín nắp sản phẩm, đặc biệt phần nắp của các chai + chai dạng mỏ vịt cần cuộn để thành 1 khối có kích thước tương đồng với thân chai cố định đảm bảo chất lỏng không bị chảy ra ngoài (kể cả khi dốc ngược chai lọ).
• Bên ngoài sản phẩm được bọc kín được cuốn từ 3-4 lớp chống sốc (lưu ý với những chai mỹ phẩm dạng serum đựng bằng thủy tinh cần quấn chặt và kỹ hơn) cố định bằng băng dính, có chèn vật liệu chống va đập hoặc chống thấm nước (như xốp hoặc mút, hạt xốp, tấm bọt khí, xốp mềm) giữa sản phẩm và hộp carton để lấp đầy khoảng không trong hộp tránh bị xê dịch và chịu được áp lực trong quá trình vận chuyển.
2. Đồ thủy tinh, gốm sứ, hàng dễ vỡ
• Các sản phẩm bằng chất liệu: nhựa mỏng, thủy tinh, pha lê, sành, sứ, gốm, đất nung, thạch cao, sản phẩm chứa chất lỏng bên trong, v.v… khi vận chuyển sẽ có rủi ro rất lớn nếu không có chế độ cảnh báo và vận chuyển riêng. Do vậy, Đơn vị vận chuyển có quyền từ chối hỗ trợ vận chuyển nếu đánh giá đơn hàng có rủi ro lớn khi vận chuyển hoặc do đối tác vận chuyển không đáp ứng được điều kiện để vận chuyển bưu kiện dễ vỡ.
• Nếu Người bán vẫn mong muốn bán các sản phẩm này và yêu cầu hỗ trợ vận chuyển, thì trách nhiệm gói bọc đảm bảo an toàn, cảnh báo bên ngoài gói bọc và chịu rủi ro vận chuyển nếu xảy ra bể vỡ, hỏng hóc hoàn toàn thuộc về Người bán.
• Sử dụng giấy bọt khí bọc kín mọi góc cạnh của sản phẩm từ 3 - 4 lớp.
• Đóng gói bằng hộp gỗ, phải chèn các vật liệu (như xốp hoặc mút, hạt xốp, tấm bọt khí, xốp mềm) kín 6 mặt để đảm bảo hàng hóa không xê dịch và chịu được áp lực khi vận chuyển. Ở ngoài phải dán cảnh báo “hàng dễ vỡ”.
• Hàng hóa dễ vỡ dùng 02 lần hộp phải có lớp xốp bọc quanh bên ngoài hộp nhỏ.
3. Đồ điện tử, điện lạnh, đồ công nghệ
• Với đặc thù dễ hư hại nếu gặp môi trường có độ ẩm cao, trong qúa trình nâng đỡ, di chuyển. Các mặt hàng điện tử cần phải được bọc kỹ bằng các loại vật liệu chống va đập và chống ẩm (giấy bọt khí, mút mềm, mút xốp, nilon…), chèn lót xung quanh để không bị xê dịch khi vận chuyển.
• Sản phẩm không có hộp của NSX: Ốp xốp mềm 06 mặt bên ngoài sản phẩm, lớp xốp cuốn yêu cầu độ dày là 2.5cm; sau đó, sử dụng bubble (bọt khí) bọc quanh lớp xốp đó ít nhất 02 lớp, dùng băng dính cố định chặt các góc.
• Sản phẩm được đóng trong hộp của NSX: Người gửi cần ốp xốp các mặt của sản phẩm (theo “Quy định ốp xốp” bên dưới), sau đó quấn bubble bên ngoài; đồng thời có thêm tem ghi chú “hàng dễ vỡ”.
• Quy định ốp xốp với hàng nội tỉnh:
- Ốp xốp vào 02 mặt có diện tích lớn nhất sau đó quấn bubble bên ngoài;đồng thời có thêm tem ghi chú “hàng dễ vỡ”.
- Sản phẩm có 04 mặt tiếp xúc bằng nhau, cần ốp xốp ở cả 04 mặt, trừ 02 mặt bé hơn sau đó quấn bubble bên ngoài; đồng thời có thêm tem ghi chú “hàng dễ vỡ”.
- Sản phẩm có 06 mặt tiếp xúc bằng nhau, cần ốp xốp ở tất cả các mặt sau
đó quấn bubble bên ngoài; đồng thời có thêm tem ghi chú “hàng dễ vỡ”.
- Xốp được yêu cầu độ dày là 2.5cm.
• Quy định ốp xốp với hàng liên tỉnh: Tương tự quy định đối với hàng nội tỉnh cộng thêm:
- Ốp xốp bên ngoài 06 mặt của hộp sản phẩm (hộp của NSX).
- Xốp được yêu cầu độ dày là 2.5cm.
• Với đơn có từ 02 sản phẩm trở lên:
- Đóng gói đúng quy cách như trên cho từng hộp sản phẩm trong đơn hàng.
- Sau đó, thống nhất khối hàng bằng việc quấn băng keo.
- Cuối cùng là quấn màng co bên ngoài khối hàng và dán tem nhãn dễ vỡ.
4. Sách & Văn phòng phẩm
• Với hàng hoá dạng mảnh như tranh vẽ, bản đồ, sách, báo, tạp chí, catalog, tài liệu … và những đồ dễ rách nát cần được bảo vệ và bọc kín sản phẩm bởi 2 lớp nilong chống ướt hoặc màng co.
• Sau đó cuộn tròn cho vào ống nhựa hay các ống bằng bìa carton cứng có độ dày là 0,3 – 0,5 cm, bịt kín 2 đầu ống hoặc cho vào cặp tài liệu, đồng thời đóng gói vào thùng carton cứng có hình dạng phù hợp, không quá lớn so với sản phẩm.
5. Thực phẩm khô
• Các mặt hàng thực phẩm khô cần được đóng gói bằng nhiều lớp nilon hoặc bọt khí (từ 2 đến 3 lớp) và cố định bằng băng dính, kín, chống ẩm và va đập (với thực phẩm dễ vỡ vụn), hút chân không để không ảnh hưởng chất lượng thực phẩm sau quá trình vẫn chuyển.
• Quấn kỹ để tránh phát ra mùi thu hút động vật/côn trùng trước khi đóng hộp carton cứng.
• Lưu ý điều kiện lưu giữ thực phẩm (ánh sáng, nhiệt độ, độ ẩm) cũng như hạn sử dụng để tránh các trường hợp thực phẩm bị hư hỏng trong quá trình vận chuyển.
• Không nhận vận chuyển với sản phẩm có hạn sử dụng ngắn hạn, sản phẩm cần có hạn sử dụng ít nhất là 06 tháng.
6. Chất lỏng (dầu ăn, nước giặt/xả, dầu gội…)
• Mỗi sản phẩm cần được bịt kín miệng chai với băng dính/nilon/màng bọc thực phẩm, sau đó quấn bubble chống sốc 02 lớp xung quanh sản phẩm.
• Đựng sản phẩm trong hộp carton, chèn mút/xốp đủ 06 mặt xung quanh giữa hộp bìa carton và sản phẩm.
• Nếu có từ 02 sản phẩm trở lên, giữa các sản phẩm cần có xốp chèn ở giữa.
7. Quần áo, giày túi, bỉm tã
• Trong trường hợp còn hộp của nhà sản xuất, chỉ cần bao bọc bên ngoài bằng túi nilong thường và dùng băng keo bọc kín gói hàng.
• Nếu không có hộp của nhà sản xuất, cần bọc thêm một lớp bọt khí trước khi cho túi nilong thường và dùng băng keo bọc kín gói hàng.
• Các mặt hàng quần áo, giày dép cần được gấp gọn trước khi đóng gói, được bọc từ 2 -3 lớp nilong hoặc màng co và cố định toàn phần bằng băng dính để tránh rủi ro khi điều kiện thời tiết khác quan xảy ra.
• Các sản phẩm giày, dép, túi xách bắt buộc phải có hộp carton bên ngoài sau khi
đã cuốn 2- 3 lớp nilong.
• Trong trường hợp cần bảo quản cả hộp sản phẩm từ nhà sản xuất, cần ốp xốp 6 mặt hộp sau đó cố định toàn phần bằng băng keo và đặt trong hộp carton cứng.
8. Đồ gia dụng lớn
8.1. Hàng gia dụng (nhựa cứng)
• Sử dụng giấy bọt khí (bubble - loại giấy có khả năng đàn hồi chống va đập cao) bọc kín mọi góc cạnh sản phẩm từ 3-4 lớp và cố định toàn phần bằng băng dính.
• Sản phẩm sau đó cần được đặt trong thùng carton có chèn xốp 06 mặt giữa thùng và sản phẩm sau khi quấn bubble để tránh va đập trong quá trình vận chuyển.
• Dán tem ghi chú hàng dễ vỡ bên ngoài hộp hàng.
8.2. Hàng gia dụng (trừ hàng nhựa cứng, điện gia dụng): chảo, nồi kim loại…
• Sản phẩm không có hộp của NSX: Người gửi cần gói kín sản phẩm, sử dụng bubble bọc quanh sản phẩm ít nhất 02 lớp, dùng băng dính cố định toàn phần, sau đó cho vào trong hộp carton và chèn chặt các góc bằng xốp mềm.
• Sản phẩm có hộp của NSX: Quấn chặt ít nhất 02 lớp nilon khí/bubble toàn bộ hộp hàng, sau đó cố định bubble bằng băng keo bên ngoài.
• Với mặt hàng “chảo” không có hộp của NSX (sản phẩm có hình dạng dị thường):
- Dùng xốp lấp đầy lòng chảo (không dùng bubble/nilon, dễ bị trũng, dễ hư hỏng vành chảo).
- Quấn bubble 5 lớp toàn bộ chảo (cả lòng chảo và tay cầm), cố định bubble bằng băng keo và cho vào hộp carton có kích thước vừa với sản phẩm.
9. Hộp thiếc, hộp giấy cứng (sữa bột, sơn….)
• Các sản phẩm này cần được cố định từ 2-3 lớp màng co để cố định phần nắp với thân sản phẩm sau đó được bọc 3-4 lớp chống sốc có cố định bằng băng dính.
• Sản phẩm sau đó được đặt vào hộp carton có chèn xốp mềm để đảm bảo lấp đầy khoảng trống giữa hộp carton và sản phẩm.
10. Xếp nhiều hàng hóa nhỏ trong cùng gói hàng
• Cần tách riêng và bọc từng mặt hàng riêng sau đó mới xếp vào thùng carton. Cuối cùng dán băng dính kín miệng hộp carton. Các sản phẩm tách riêng cũng cần đóng gói theo đúng quy định đối với loại sản phẩm đó.
• Không để sát nhau, khoảng không giữa 2 vật cần được lấp đầy bởi các vật liệu chống va đập.